Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Quá trình phát triển

Trong 68 năm qua, Văn phòng UBND tỉnh đã được hình thành và phát triển qua các giai đoạn lịch sử như sau:

Từ ngày 13 tháng 3 năm 1945, Uỷ ban nhân dân lâm thời các Châu được thành lập. Ngày 15 tháng 6 năm 1945, tại Giẻ Đống, Xã Hồng Việt, Châu Hoà An, Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Cao Bằng được thành lập, đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) được cử giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh. Chính quyền nhân dân được thành lập, cùng với sự hình thành cơ quan Văn phòng tham mưu giúp việc đã thực hiện vai trò tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương.

Ngày 20 tháng 8 năm 1945 hàng vạn quân Tưởng đã vào cửa khẩu Sóc Hà (Hà Quảng), Pò Peo (Trùng Khánh), Tà Lùng (Phục Hoà) tiến thẳng về Thị xã Cao Bằng với danh nghĩa quân đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật nhưng thực chất chúng muốn âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ của chúng ta. Trước tình thế đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, với phương pháp đấu tranh mềm dẻo kiên quyết, khôn khéo, Đảng bộ, Chính quyền nhân dân Tỉnh Cao Bằng đã làm thất bại âm mưu xâm lược, phá hoại chính quyền của quân đội Trung Hoa quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch và bè lũ tay sai phản động tại Cao Bằng. Ngày 15 thang 11 năm 1945 quân Tưởng rút khỏi Cao Bằng, Uỷ Ban nhân dân lâm thời Tỉnh chuyển về Thị xã Cao Bằng trụ sở đóng tại Toà Sứ Pháp.

Cuối tháng 3 năm 1946 nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng nô nức tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, Uỷ ban nhân dân lâm thời được đổi thành Uỷ ban hành chính tỉnh. Trong thời gian này cơ quan Văn phòng đã tham mưu cho Đảng bộ và chính quyền kiện toàn, củng cố chính quyền các cấp, ổn định trật tự xã hội, phát triển sản xuất, thành lập các lớp bình dân học vụ, mở nhiều lớp huấn luyện lực lượng vũ trang, chuẩn bị các điều kiện cho cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

Ngày 9 tháng 10 năm 1947 Pháp cho quân nhảy dù xuống đồi Nà Lắc chiếm mỏm đồi Thiên văn, sáng 10 tháng 10 nổ súng đánh chiếm Thị xã Cao Bằng và lùng sục tìm diệt cơ quan đầu não của tỉnh. Trước tình hình đó Uỷ ban hành chính tỉnh và Uỷ ban kháng chiến sáp nhập, thành Uỷ ban kháng chiến hành chính cho phù hợp với tình hình mới; được sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban kháng chiến hành chính, cơ quan Văn phòng đã tổ chức bảo mật, sơ tán an toàn về khu căn cứ xã Lương Can, huyện Hà Quảng (nay là huyện Thông Nông).

 Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quyết tâm sắt đá: Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ . Văn phòng Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, tham mưu chính xác, kịp thời cho Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh trong việc tổ chức và thực hiện chủ trương kháng chiến kiến quốc có hiệu quả, cùng với quân dân tỉnh Cao Bằng góp phần làm nên chiến thắng Đông Khê tháng 9 năm 1950 và giải phóng Cao Bằng ngày 3 tháng 10 năm 1950.

Sau Hiệp định Giơ-Ne-Vơ 1954, hoà bình được lập lại ở miền Bắc, đất nước ta bước sang giai đoạn cách mạng mới, Uỷ ban hành chính tỉnh chuyển trụ sở về Thị xã Cao Bằng, Văn phòng của Uỷ ban hành chính đã theo sát nhiệm vụ chính trị, làm tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, vừa đảm nhiệm các công tác hậu cần bảo đảm phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền trong thời kỳ hoà bình ở miền Bắc, khôi phục kinh tế, nâng cấp các cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi; củng cố quan hệ sản xuất, thành lập các Hợp tác xã nông nghiệp; mở các lớp bình dân học vụ, xoá mù chữ cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày 5 tháng 8 năm 1964 Đế quốc Mỹ gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ thực hiện âm mưu leo thang bắn phá miền Bắc hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của của miền Bắc đối với miền Nam. Thời gian này các cơ quan của tỉnh sơ tán lên huyện Hoà An, Uỷ ban hành chính tỉnh sơ tán lên Lăng Phja thuộc xã Bế Triều, để chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ; Những năm 1967-1968 Đế quốc Mỹ ném bom bắn phá ác liệt, trước tình hình đó Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 11 và 12 xác định nhiệm vụ của cách mạng cả nước là đẩy mạnh hơn nữa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, thiêng liêng nhất của cả dân tộc.

Thực hiện hai Nghị quyết trên, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã ra Nghị quyết số 163 ngày 5 tháng 3 năm 1966 đề ra nhiệm vụ quân sự toàn tỉnh là: Làm tốt công tác chống chiến tranh phá hoại, xây dựng lực lượng địa phương trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, trước hết là công tác tuyển quân bổ sung cho bộ đội chủ lực, phòng thủ chiến đấu tốt. Trong thời gian đó, Văn phòng Uỷ ban hành chính đã bám sát nhiệm vụ chính trị, làm tốt công ác tham mưu tổng hợp vừa đảm  nhiệm  các công tác hậu cần phục vụ, góp phần cùng nhân dân cả nước, huy động mọi nguồn lực cho tiền tuyến lớn Miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai Nguỵ quân Nguỵ quyền, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tháng 12 năm 1975 Quốc hội ra Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng và bộ phận công tác phía Nam tại Thị xã Lạng Sơn, trong điều kiện đó Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh Cao Lạng đã nhanh chóng ổn định nơi làm việc mới tại Thị xã Cao Bằng, kiện toàn tổ chức cơ quan thống nhất để tham mưu, giúp việc cho công tác chỉ đạo, điều hành mọi công việc của tỉnh hợp nhất.

Từ năm 1978, tình hình biên giới Việt - Trung có diễn biến phức tạp. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, tháng 12 năm 1978 Quốc hội đã quyết định tách tỉnh Cao Lạng thành tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; đến tháng 2 năm 1979 xảy ra chiến sự biên giới, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng chuyển trụ sở về Uỷ ban Nhân dân huyện Ngân Sơn, nên công tác Văn phòng lúc này vừa phải kịp thời ổn định tổ chức, vừa phải lo chuyển cơ quan sơ tán về phía sau an toàn và xây dựng cơ sở vật chất nơi làm việc mới, vừa phải đảm bảo phục vụ đắc lực cho hoạt động của UBND tỉnh trong thời kỳ mới.

Từ sau năm 1979 Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân tiếp tục củng cố và phát triển Kinh tế - Xã hội, xây dựng tuyến phòng thủ ngày càng vững chắc, thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng và củng cố một cách toàn diện; phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ Quốc phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh, công tác bảo vệ nội bộ được tăng cường.

Từ ngày 22 đến ngày 27 tháng 12 năm 1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ 12 đã được khai mạc tại Thị xã Cao Bằng, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức sản xuất, cơ cấu đầu tư và cơ chế chính sách, củng cố quan hệ sản xuất mới và đổi mới cơ chế quản lý. Thực hiện những chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đại hội đề ra, Văn phòng Uỷ ban nhân tỉnh đã tham mưu, giúp việc cho HĐND và UBND tỉnh cụ thể hoá thành các nhiệm vụ và những giải pháp cụ thể, động viên nhân dân các dân tộc phát huy mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mới, mục tiêu của kế hoạch 5 năm (1986 - 1990).

Đến năm 2000 Văn phòng UBND tỉnh được đổi tên thành Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân Tỉnh Cao Bằng.

Tháng 7/2004 Văn phòng HĐND-UBND tỉnh được tách ra thành 3 cơ quan (Văn phòng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ).

Trải qua các thời kỳ công tác với từng giai đoạn, nhiệm vụ lịch sử khác nhau, Văn phòng Uỷ ban nhân dân lâm thời, Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh và nay là Văn phòng UBND tỉnh, bất kỳ ở giai đoạn Cách mạng nào Văn phòng cũng luôn luôn bám sát tình hình cụ thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, làm tốt chức năng là bộ máy tham mưu, giúp việc của chính quyền Nhà nước ở địa phương hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang